Do có quá nhiều rủi ro, nên hiện nay bảo hiểm hàng hóa đang được khách hàng đặc biệt quan tâm và chủ động mua bảo hiểm để phòng ngừa tổn thất xảy ra. Tuy nhiên, người mua bảo hiểm cần đặc biệt quan tâm các nội dung trong hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng thuê vận chuyển, bốc xếp hàng hóa để đảm bảo tốt nhất quyền lợi, tránh tranh chấp, kiện tụng…
Bảo hiểm hàng hóa là vấn đề quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp mua bán hay vận chuyển hàng hóa. Hàng hóa có giá trị đều được các doanh nghiệp mua bảo hiểm để phòng ngừa tai nạn rủi ro vì tổn thất có thể xảy ra bất kỳ lúc nào và không ai có thể lường trước được. Nhiều rủi ro xảy ra gây thiệt hại lớn về tài sản, hàng hóa và đã được doanh nghiệp bảo hiểm chi trả với số tiền hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.
Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2022, nghiệp vụ bảo hiểm hàng hóa trong nước đạt doanh thu 1.603 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 4,7%, tăng trưởng 16,9%, bồi thường 318 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 19,8% (chưa tính dự phòng). Nếu tính cả các hồ sơ tổn thất chưa bồi thường thì số tiền chi trả ước đến gần 700 tỷ đồng, một con số rất lớn, nếu không mua bảo hiểm chắc nhiều doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn lớn, thậm chí khó vực dậy.
Tuy nhiên, không phải tất cả người mua bảo hiểm hàng hóa đều được chi trả từ bảo hiểm. Lý do vì người mua không nắm rõ các quy định trước khi ký hợp đồng, từ đó chủ quan mà không tuân thủ các biện pháp an toàn đúng quy định, khi xảy ra thiệt hại không được thanh toán dẫn đến bức xúc xảy ra vấn đề kiện tụng.
Điển hình, vụ án tranh chấp hợp đồng bảo hiểm mà Công ty Cổ phần Sông Đà – Trường Sơn là nguyên đơn và Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm hàng không (VNI) là bị đơn, được Tòa án nhân dân thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An đã mở phiên tòa xét xử sơ ngày 28/12/2021.
Theo đó, Công ty Sông Đà – Trường Sơn mua bảo hiểm hàng hóa cho 1.920 tấn. Sau đó tàu vận tải bị chìm cách đảo Cồn Cỏ 0,5 hải lý và thiệt hại toàn bộ số hàng hóa trên. Căn cứ vào các tài liệu do Công ty Cổ phần Giám định và Dịch vụ Hàng hải HCD và báo cáo của Cảng vụ Hàng hải Quảng Trị phát hành; VNI đã ra thông báo từ chối bồi thường, căn cứ theo quy tắc: “Người bảo hiểm (VNI) sẽ không chịu trách nhiệm đối với những mất mát, hư hỏng hay chi phí gây ra bởi xếp hàng quá tải hoặc sai quy cách về an toàn hàng hóa (Điều 183 Bộ luật Hàng hải quy định về việc bốc hàng và xếp hàng trên tàu biển)”. Công ty Cổ phần Sông Đà – Trường Sơn không đồng ý và đã khởi kiện VNI.
Đánh giá về vụ việc này, các chuyên gia bảo hiểm cho rằng, bảo hiểm là loại hình dịch vụ có điều kiện, không phải mọi tổn thất, thiệt hại thuộc phạm vi bảo hiểm đều được bồi thường mà phải căn cứ vào nguyên nhân xảy ra tai nạn có thuộc điểm loại trừ bảo hiểm hay không.
Vụ việc tương tự, Công ty Cổ phần Dịch vụ vận tải Sài Gòn (Cty Sài Gòn) mua bảo hiểm hàng hóa là thiết bị điện cao thế 220KV-250KV của Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Xuân Thành (Tổng Cty Xuân Thành).
Trong quá trình vận chuyển không may xảy ra rủi ro, toàn bộ số thiết bị trên bị tổn thất, hư hỏng. Cty Sài Gòn yêu cầu bên bảo hiểm là Tổng Cty Xuân Thành phải bồi thường thiệt hại.
Căn cứ vào kết quả giám định của công ty giám định độc lập, biên bản hiện trường của các cơ quan chức năng, tài liệu thu thập được cùng bộ quy tắc, quy định của pháp luật về vận chuyển hàng hóa; bên bảo hiểm đã ra văn bản từ chối bồi thường cho người được bảo hiểm với các lý do cụ thể, rõ ràng: Về phương tiện vận tải dùng để vận chuyển thiết bị điện là máy biến áp: “Xà lan kéo không có giấy chứng nhận đăng kiểm theo quy định; không có giấy phép lưu hành vận chuyển hàng quá khổ, siêu trường siêu trọng theo quy định của pháp luật; bến bãi (nơi bốc xếp lên hàng) chưa được cơ quan chức năng cấp phép sử dụng và khai thác nên không đảm bảo an toàn”.
Tưởng chừng với các căn cứ rõ ràng nêu trên, bên bảo hiểm đưa ra từ chối bồi thường là hoàn toàn chính xác, phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành về an toàn vận chuyển hàng hóa. Tuy nhiên, người được bảo hiểm vẫn không đồng ý và đề nghị đưa ra tòa án giải quyết.
Các quy định chung không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới cũng quy định rất rõ và chặt chẽ những rủi ro không được bảo hiểm trong bất kì trường hợp nào (loại trừ tuyệt đối) bao gồm: Lỗi cố ý của người được bảo hiểm, người tham gia bảo hiểm; tàu không đủ khả năng hoạt động trên sông biển. Các phương tiện tham gia vào quá trình vận chuyển hàng hóa không đảm bảo tiêu chuẩn, không có giấy phép…
Theo quy định của pháp luật hiện hành thì người vận chuyển phải chịu trách nhiệm đối với toàn bộ quá trình vận chuyển mặc dù toàn bộ hoặc một phần của việc vận chuyển được giao cho người vận chuyển thực tế thực hiện. Đối chiếu với các quy định của pháp luật, các căn cứ mà người bảo hiểm đưa ra, người bảo hiểm từ chối bồi thường thiệt hại với vụ việc trên là hoàn toàn hợp lý, trừ khi có các thỏa thuận khác giữa hai bên khi ký kết hợp đồng bảo hiểm.
Do có quá nhiều rủi ro, nên hiện nay bảo hiểm hàng hóa đang được khách hàng đặc biệt quan tâm và chủ động mua bảo hiểm để phòng ngừa tổn thất xảy ra. Tuy nhiên, người mua bảo hiểm cần đặc biệt quan tâm các nội dung trong hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng thuê vận chuyển, bốc xếp hàng hóa để đảm bảo tốt nhất quyền lợi, tránh tranh chấp khi xảy ra sự kiện gây tổn thất.
Theo Báo Thanh Tra