CÔNG TY TNHH DỊCH VỤ HỖ TRỢ BẢO HIỂM INFAIR
Tư vấn mua bảo hiểm, Tư vấn đòi quyền lợi bảo hiểm​

☏ 0967375860

Bỏ bảo hiểm xe máy: Không thể – nhìn từ góc độ pháp lý

Trước áp lực dư luận đòi bỏ bảo hiểm xe máy (bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự xe máy), một số đại biểu quốc hội và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị bỏ bắt buộc bảo hiểm xe máy.

Trái với dư luận và ý kiến của một số cá nhân, tổ chức có uy tín, INFAIR vẫn nhất quán tán thành quan điểm của cơ quan quản lý là không thể bỏ bắt buộc bảo hiểm trách nhiệm xe máy. Về mặt ý nghĩa xã hội, mục đích chính của việc bắt buộc loại hình bảo hiểm này là để bảo vệ lợi ích của nạn nhân trong các vụ tai nạn giao thông, sau đó là để hỗ trợ tài chính cho các chủ xe trong việc đền bù cho các nạn nân. Việc đền bù dân sự thoả đáng cũng là một tình tiết giảm nhẹ trong trường hợp thiệt hại của bên thứ ba đến mức khởi tố hình sự người gây tai nạn.

Ở góc độ pháp lý cao hơn, không dễ dàng bỏ quy định bắt buộc bảo hiểm trách nhiệm dân sự xe máy vì loại hình bắt buộc này đã được quy định rõ trong luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000 và vẫn được duy trì trong luật kinh doanh bảo hiểm năm 2022 có hiệu lực từ 01/01/2023.

Điều 8 Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2022 quy định:

“Điều 8. Bảo hiểm bắt buộc

1. Bảo hiểm bắt buộc là sản phẩm bảo hiểm nhằm mục đích bảo vệ lợi ích công cộng, môi trường và an toàn xã hội.

2. Bảo hiểm bắt buộc bao gồm:

a) Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới;

b) Bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc;

c) Bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng;

d) Bảo hiểm bắt buộc quy định tại luật khác đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều này.”

Ngoài ra, Xe máy (là xe cơ giới) là nguồn nguy hiểm cao độ nên Bộ luật dân sự năm 2015 quy định người sở hữu nguồn nguy hiểm cao đội phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi:

“Điều 601. Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra

1. Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.

Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải vận hành, sử dụng, bảo quản, trông giữ, vận chuyển nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng quy định của pháp luật.

2. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

3. Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp sau đây:

a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;

b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

4. Trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại.

Khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.”

Như vậy, ngoài ý nghĩa về mặt xã hội, dưới góc độ pháp lý việc bỏ bắt buộc bảo hiểm trách nhiệm dân sự xe máy là không khả thi. Muốn bỏ bắt buộc loại hình bảo hiểm này cần sửa cả luật kinh doanh bảo hiểm và bộ luật dân sự. Chính phủ và Bộ tài chính không đủ thẩm quyền quyết định.

infair.com.vn

0 0 votes
Đánh giá bài viết
Subscribe
Notify of
guest
0 Góp ý
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x