CÔNG TY TNHH DỊCH VỤ HỖ TRỢ BẢO HIỂM INFAIR
Tư vấn mua bảo hiểm, Tư vấn đòi quyền lợi bảo hiểm​

☏ 0967375860

Lập luận đòi bảo hiểm bồi thường trường hợp có nồng độ cồn sinh lý

Trong thời gian qua không ít trường hợp người mua bảo hiểm xe ô tô, bảo hiểm tai nạn con người, bảo hiểm nhân thọ bị bảo hiểm từ chối bồi thường do kết quả xét nghiệm máu của bệnh viện có chỉ số nồng độ cồn sinh lý rất nhỏ do cơ địa hoặc thức ăn sinh ra, dưới ngưỡng bình thường theo quy định của Bộ Y tế. Tuy nhiên không ít công ty bảo hiểm cố tình lợi dụng chỉ số này và áp dụng máy móc câu chữ trong luật để từ chối bồi thường.

INFAIR khẳng định việc từ chối bồi thường của các công ty bảo hiểm là trái với hợp đồng bảo hiểm và pháp luật. INFAIR cung cấp lập luận đòi bảo hiểm bồi thường hoặc khởi kiện trường hợp này như sau:

LẬP LUẬN TỪ CHỐI BỒI THƯỜNG CỦA CÁC CÔNG TY BẢO HIỂM

Trước hết cần xác định công ty bảo hiểm dựa vào các cơ sở nào để từ chối bồi thường? Đó là các căn cứ:

Điều 8 Luật giao thông đường bộ nghiêm cấm “Điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở”

Điều 35 Luật phòng chống tác hại của rượu bia Sửa đổi, bổ sung khoản 8 Điều 8 của Luật Giao thông đường bộ: Nghiêm cấm “Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.

Quy tắc bảo hiểm của công ty bảo hiểm có điều khoản loại trừ trường hợp người được bảo hiểm điều khiển xe cơ giới mà trong máu có nồng độ cồn, hoặc có công ty ghi là sử dụng rượu bia vượt quá mức quy định của pháp luật.

CÁC LẬP LUẬN ĐÒI BẢO HIỂM BỒI THƯỜNG

1. Bảo hiểm phải chứng minh nồng độ cồn trong máu là do rượu bia gây ra

Mặc dù Điều 8 luật giao thông đường bộ có quy định nghiêm cấm điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở nhưng Điều 8 này đã bị thay thế bằng Điều 35 Luật phòng chống tác hại của rượu bia

Bản thân cái tên Luật phòng chống tác hại của rượu bia đã thể hiện yếu tố duy nhất bị cấm là rượu bia, nghĩa là cấm mọi người điều khiển xe cơ giới khi có cồn trong máu do rượu bia sinh ra, không đề cập đến trường hợp có nồng độ cồn do sinh lý hoặc thức ăn. Do vậy trong các vụ tai nạn giao thông, cơ quan cảnh sát giao thông không bao giờ kết luận lái xe vi phạm quy định về nồng độ cồn nếu chỉ số xét nghiệm dưới ngưỡng bình thường theo quy định của Bộ Y tế là 10,9mmol/l máu.

Vì vậy, để từ chối bồi thường, công ty bảo hiểm phải chứng minh nồng độ cồn trên kết quả xét nghiệm phải do rượu bia sinh ra.

Căn cứ để xác định nồng độ cồn trong máu do rượu bia gây ra hay là nồng độ cồn sinh lý chính là quyết định số 320/QĐ-BYT của Bộ Y tế, nồng độ cồn dưới 10,9mmol/l  (50mg/dL) là giá trị bình thường cho phép do thức ăn, quá trình sinh hóa của cơ thể, cơ địa mỗi người.

Các bạn tham khảo Quyet dinh 320 Bo Y Te

2. Việc lấy máu xét nghiệm phải đúng quy trình theo quy định của pháp luật

Không phải kết quả xét nghiệm nào cũng đủ cơ sở áp dụng. Hiện nay công ty bảo hiểm lấy kết quả xét nghiệm khi lái xe nhập viện cấp cứu, hoặc công ty bảo hiểm lừa lái xe đi xét nghiệm để lấy chỉ số nồng độ cồn sinh lý đều không có giá trị.

Luật cũng như quy tắc bảo hiểm quy định rõ loại trừ trường hợp lái xe có cồn trong máu tại thời điểm tai nạn, nên kết quả xe nghiệm thời điểm đó mới đủ cơ sở để xác định tại thời điểm tai nạn lái xe có cồn hay không. Sau một thời gian mới xét nghiệm kết quả không có giá trị. Chính vì thế luật có quy định rõ quy trình xét nghiệm nồng độ cồn để đảm bảo khách quan từ lúc tai nạn đến lúc lấy máu xét nghiệm lái xe không ăn, uống chất có cồn và đảm bảo kết quả xét nghiệm không bị đánh tráo.

Quy trình xét nghiệm nồng độ cồn được quy định tại Thông tư Liên tịch số 26/2014/TTLT-BYT-BCA quy định về xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ

Quy trình xét nghiệm nồng độ cồn đối với lái xe

Vì vậy, kết quả xét nghiệm chỉ có giá trị khi việc xét nghiệm đảm bảo tuân thủ đúng các bước theo quy định của Thông tư liên tịch nói trên, việc yêu cầu xét nghiệm và cung cấp kết qủa xét nghiệm phải thông qua cơ quan công an.

3. Vận dụng Điều 16 Luật kinh doanh bảo hiểm

Khoản 3a điều 16 luật kinh doanh bảo hiểm quy định Không áp dụng điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm trong các trường hợp bên mua bảo hiểm vi phạm pháp luật do vô ý. Do vậy kể cả trường hợp người được bảo hiểm có nồng độ cồn sinh lý bị coi là vi phạm pháp luật thì đây là việc vi phạm do vô ý bản thân người được bảo hiểm cũng không thể biết được, bảo hiểm không được áp dụng loại trừ trong trường hợp này

LÀM SAO ĐỂ KHÔNG BỊ BẪY?

Hiện tượng giám định viên lừa lái xe đi xét nghiệm để lấy kết quả nồng độ cồn sinh lý đang rất phổ biến. Để tránh bị bẫy rơi vào tình trạng tranh chấp bảo hiểm, bạn hãy từ chối đi xét nghiệm với các lý do:

  • Chỉ đi xét nghiệm theo yêu cầu của cơ quan công an
  • Thời điểm yêu cầu xét nghiệm không phải thời điểm tai nạn nên xét nghiệm không có giá trị
  • Hợp đồng bảo hiểm không quy định công ty bảo hiểm có quyền yêu cầu lái xe đi xét nghiệm máu và cũng không quy định lái xe có nghĩa vụ đi xét nghiệm máu theo yêu cầu của công ty bảo hiểm.

Còn nếu đã rơi bào bẫy bị từ chối bồi thường thì lập luận như trên để đòi bảo hiểm bồi thường hoặc khởi kiện ra toà

Việc lợi dụng chỉ số xét nghiệm cồn sinh lý của một số công ty bảo hiểm là hành vi không chính trực, không chỉ đi ngược lại tôn chỉ đạo đức của ngành bảo hiểm mà còn là hành vi trái pháp luật. Đã có không ít bản án xử công ty bảo hiểm phải bồi thường nhưng hành vi này vẫn đang được tái diễn ở các công ty bảo hiểm tai tiếng nhóm dưới.

infair.com.vn

5 1 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x