Trên thị trường bảo hiểm hiện nay các công ty bảo hiểm gốc chỉ đang tự chủ được việc giám định các nghiệp vụ đơn giản như bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm con người. Các nghiệp vụ bảo hiểm hàng hải, tài sản, kỹ thuật, thiết bị điện tử… vẫn đang phải thuê các công ty giám định độc lập với chi phí giám định rất cao.
Mục lục
ToggleLuật quy định như thế nào về giám định bảo hiểm?
Điều 48 Luật kinh doanh bảo hiểm quy định chức năng của giám định chỉ là xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất của đối tượng được giao giám định. Công ty giám định phải thay mặt công ty bảo hiểm xác định nguyên nhân thiệt hại, thu thập chứng từ, bằng chứng để xác định mức độ thiệt hại của tài sản được bảo hiểm.
Ngoài ra, luật kinh doanh bảo hiểm sửa đổi năm 2019 đã quy định rõ thêm về điều kiện hành nghề của giám định viên, theo đó giám định viên thuộc công ty giám định phải có chứng chỉ giám định bảo hiểm do Viện Phát triển bảo hiểm Việt Nam thuộc Bộ tài chính sát hạch và cấp chứng chỉ mới được hành nghề. Hiện nay rất ít giám định viên thi đạt chứng chỉ này.
Bên nào thuê công ty giám định?
Các công ty giám định và công ty bảo hiểm đều đang hiểu nhầm là doanh nghiệp bảo hiểm thuê công ty giám định, nên công ty giám định làm theo chỉ đạo của công ty bảo hiểm và chỉ báo cáo kết quả giám định cho công ty bảo hiểm. Đây là nhận thức sai về pháp luật, mặc dù luật quy định doanh nghiệp bảo hiểm trả chi phí giám định nhưng không phải chỉ doanh nghiệp bảo hiểm mới là bên thuê, bản chất việc thuê đơn vị giám định do doanh nghiệp bảo hiểm và người được bảo hiểm cùng nhau chỉ định (ghi rõ trong hợp đồng bảo hiểm hoặc thống nhất lựa chọn khi xảy ra tổn thất). Doanh nghiệp bảo hiểm chỉ là bên có nghĩa vụ trả chi phí giám định, chi phí này thực chất cũng được bên mua bảo hiểm đồng chi trả thông qua phí bảo hiểm. Nếu không được sự đồng ý của bên mua bảo hiểm, công ty giám định do doanh nghiệp bảo hiểm chỉ định không thể được giám định tài sản của họ.
Do vậy, công ty giám định cần phải giữ vai trò độc lập, khách quan và báo cáo giám định cho cả doanh nghiệp bảo hiểm và người được bảo hiểm.
Các công ty giám định có đang làm đúng vai trò?
Làm không đúng vai
Trong quá trình tư vấn thủ tục yêu cầu bồi thường cho khách hàng, đặc biệt là các vụ tranh chấp bảo hiểm, INFAIR nhận thấy các công ty giám định được doanh nghiệp bảo hiểm thuê không chỉ thực hiện việc xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất mà còn tự ý xác định tổn thất nào được bảo hiểm, tổn thất nào không được bảo hiểm, tính toán số tiền bồi thường và đưa ra những yêu cầu đối với người được bảo hiểm về bảo quản, trong giữ tài sản bị thiệt hại, yêu cầu cung cấp hồ sơ… mang tính đánh đố mà không có trong hợp đồng bảo hiểm, thậm chí trái luật.
Rõ ràng việc xác định phạm vi bảo hiểm, tính toán tổn thất là việc của công ty bảo hiểm, đơn vị giám định không được phép thực hiện. Công ty giám định có nghĩa vụ xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất một cách khách quan, trung thực và đầy đủ để công ty bảo hiểm và người được bảo hiểm có căn cứ xác định phạm vi bảo hiểm và số tiền bồi thường.
Chúng tôi nhận thấy không ít các công ty giám định đang phục vụ lợi ích của doanh nghiệp bảo hiểm, gian lận với người được bảo hiểm như cố ý loại trừ thiệt hại của khách hàng khỏi tính toán tổn thất, xác định phạm vi bảo hiểm sai để loại trừ thiệt hại của khách hàng, giảm số tiền bồi thường, làm thủ thuật tăng giá trị tài sản vượt quá số tiền bảo hiểm làm giảm giá trị tổn thất để áp dụng bồi thường theo tỷ lệ bảo hiểm dưới giá trị để bớt xén số tiền bồi thường chính đáng của khách hàng. (Hiện INFAIR đang tham gia một vụ khiếu nại tổn thất tài sản của khách hàng mua bảo hiểm của BM, chỉ định đơn vị giám định VIC… và đơn vị này đang có các dấu hiệu như trên)
Và ở góc độ công ty bảo hiểm, tuyển dụng cả một đội ngũ nhân sự giám định bồi thường tốn rất nhiều chi phí lương nhưng chỉ để đội ngũ này đi thuê công ty giám định làm thay việc xác định phạm vi bảo hiểm và tính toán bồi thường. Quá tốn kém chi phí lương vô ích.
Ở chiều ngược lại, cũng có không ít giám định viên câu kết với người được bảo hiểm làm tăng giá trị tổn thất để yêu cầu bồi thường, gây thiệt hại cho doanh nghiệp bảo hiểm.
Làm không tròn vai
Chức năng của đơn vị giám định độc lập là xác định nguyên nhân tổn thất, nhưng trong các vụ hoả hoạn, tai nạn hàng hải, xe cộ… công ty giám định lại yêu cầu người được bảo hiểm cung cấp kết luận của cơ quan có thẩm quyền về nguyên nhân sự cố. Vậy công ty bảo hiểm và người được bảo hiểm đâu cần thuê công ty giám định để xác định nguyên nhân tổn thất nữa.
Người được bảo hiểm cần làm gì khi công ty giám định nhầm vai
Để tránh bị công ty giám định làm theo chỉ đạo của công ty bảo hiểm gây khó khăn trong quá trình khiếu nại, yêu cầu các hồ sơ/công việc phi lý, tính toán tổn thất bất lợi, người được bảo hiểm cần tìm hiểu kỹ luật kinh doanh bảo hiểm về giám định, hợp đồng bảo hiểm để làm việc với công ty giám định:
- Làm rõ với công ty giám định việc chỉ định giám định là do người được bảo hiểm cùng chỉ định, nên công ty giám định có trách nhiệm báo cáo với cả người được bảo hiểm và công ty bảo hiểm, chịu sự giám sát của người được bảo hiểm
- Yêu cầu công ty giám định làm đúng chức năng duy nhất là xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất, không được xác định phạm vi bảo hiểm và tính toán bồi thường trong báo cáo giám định.
- Tất cả các yêu cầu cung cấp hồ sơ/yêu cầu phối hợp của người được bảo hiểm phải căn cứ trên điều khoản của hợp đồng bảo hiểm, không chấp nhận các yêu cầu tuỳ tiện của giám định viên.
- Yêu cầu đổi đơn vị giám định nếu thấy đơn vị giám định không khách quan, không trung thực.
infair.com.vn
How useful was this post?
Click on a star to rate it!
Average rating 0 / 5. Vote count: 0
No votes so far! Be the first to rate this post.