Bảo hiểm là loại hình dịch vụ vụ đặc biệt dựa trên cơ chế số đông bù số ít. Nhà bảo hiểm cam kết bảo vệ các rủi ro trên cơ sở khai báo của người mua, nhận phí bảo hiểm của người mua trước, thực hiện nghĩa vụ bồi thường/chi trả sau nên bảo hiểm có một số nguyên tắc đặc thù. Các nguyên tắc này cũng được cụ thể hoá trong luật kinh doanh bảo hiểm.
Mục lục
ToggleNguyên tắc chỉ bảo hiểm cho rủi ro không chắc chắn
Chỉ bảo hiểm một rủi ro xảy ra bất ngờ, ngẫu nhiên, ngoài ý muốn và không lường trước được của con người chứ không bảo hiểm sự kiện đã xảy ra hoặc chắc chắn sẽ xảy ra.
Nguyên tắc trung thực tuyệt đối
Tất cả các giao dịch trong hợp đồng bảo hiểm cần được thực hiện trên cơ sở tin cậy lẫn nhau, trung thực tuyệt đối. Cả người được bảo hiểm và người bảo hiểm đều phải trung thực trong việc khai báo, cung cấp thông tin.
Hoạt động bảo hiểm thực chất là việc bán lời cam kết của Nhà bảo hiểm đối với người tham gia bảo hiểm. Người tham gia là người đưa ra lời yêu cầu bảo hiểm cho mình, còn công ty bảo hiểm là người đưa ra lời cam kết chấp nhận bảo hiểm thông qua đơn bảo hiểm. Như vậy, có những trường hợp những thông tin hai bên đưa ra không chính xác làm phương hại đến quyền lợi của bên kia và ngược lại. Do đó, để đảm bảo quyền lợi của hai bên, tránh việc trục lợi bảo hiểm cũng như việc công ty bảo hiểm không thực hiện nghĩa vụ của mình khi người tham gia gặp rủi ro, nguyên tắc trung thực tuyệt đối được áp dụng rộng rãi trong hoạt động bảo hiểm đối với cả người tham gia bảo hiểm và người bảo hiểm.
Nguyên tắc này cũng được quy định cụ thể tại Khoản 1 Điều 17, 19 luật kinh doanh bảo hiểm quy định về nghĩa vụ khai báo của người mua và nghĩa vụ cung cấp thông tin, giải thích điều khoản bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm.
Đối với Người mua bảo hiểm
Đây là bổn phận khai báo đầy đủ và chính xác tất cả các yếu tố quan trọng có liên quan, dù được yêu cầu hay không được yêu cầu khai báo.
Một số yếu tố quan trọng trong các loại bảo hiểm:
- Đối với bảo hiểm nhà: Nguyên vật liệu xây nhà là loại gì, thiết kế như thế nào, nhà được xây dựng ở đâu,…
- Đối với bảo hiểm con người: độ tuổi, nghề nghiệp, tiền sử ốm đau của người được bảo hiểm, hồ sơ sức khoẻ của người trong gia đình,…
- Đối với bảo hiểm ô tô: Thời gian đã sử dụng của xe, tuổi nghề lái xe, tiền sử tai nạn, giá trị xe,…
Đối với Người bảo hiểm
Doanh nghiệp bảo hiểm phải có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm như quyền lợi được bảo hiểm, các điểm loại trừ, phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm, giải thích điều khoản, giải đáp những thắc mắc cho Người tham gia bảo hiểm.
Nguyên tắc quyền lợi có thể được bảo hiểm
Nguyên tắc này chỉ ra rằng người được bảo hiểm muốn mua bảo hiểm phải có lợi ích hoặc nghĩa vụ tài chính trong đối tượng bảo hiểm. Quyền lợi có thể được bảo hiểm có thể là quyền lợi đã có hoặc sẽ có trong đối tượng bảo hiểm.
Quyền lợi có thể được bảo hiểm là quyền sở hữu, quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền tài sản; quyền, nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng đối với người được bảo hiểm.
Trong bảo hiểm tài sản, Người mua bảo hiểm có một số liên hệ với đối tượng bảo hiểm được pháp luật công nhận.
Trong bảo hiểm trách nhiệm dân sự: quyền lợi bảo hiểm phải căn cứ theo quy định của luật pháp về ràng buộc trách nhiệm dân sự.
Ví dụ: Anh A có thể mua bảo hiểm xe ô tô cho mình hoặc mua tặng bảo hiểm xe máy cho hàng xóm, người thân. Nhưng khi tổn thất xảy ra, thì người được nhận chi trả tiền bồi thường phải là người chủ sở hữu chiếc xe hoặc người thừa kế.
Nguyên tắc này cũng được quy định cụ thể tại khoản 9 Điều 3 Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000.
Nguyên tắc bồi thường
Theo nguyên tắc bồi thường, khi có tổn thất xảy ra, người bảo hiểm phải bồi thường người được bảo hiểm có thể khôi phục tình trạng tài chính của mình trờ lại như trước khi có tổn thất xảy ra, không hơn không kém (theo mức độ tham gia bảo hiểm). Các bên không được lợi dụng bảo hiểm để trục lợi.
Nguyên tắc bồi thường áp dụng phổ biến cho hai loại bảo hiểm tài sản và bảo hiểm trách nhiệm dân sự. Nguyên tắc này thường không áp dụng đối các loại hình bảo hiểm con người.
Một số trường hợp cần lưu ý:
- Trường hợp Người được bảo hiểm được nhận tiền chi trả cho một vụ tổn thất từ nhiều hợp đồng bảo hiểm khác nhau: tổng số tiền chi trả của tất cả các hợp đồng bảo hiểm sẽ không vượt quá giá trị tổn thất.
- Trường hợp Người được bảo hiểm cũng được một bên thứ ba có trách nhiệm chi trả thiệt hại: Ví dụ như nhận tiền bồi thường từ người điều khiển ô tô đã đâm phải mình. Khi đó, tổng số tiền bồi thường của bên thứ ba và công ty bảo hiểm cũng không vượt quá giá trị tổn thất mà Người được bảo hiểm phải gánh chịu.
Nguyên tắc thế quyền
Theo nguyên tắc thế quyền, trong trường hợp tổn thất có lỗi của người thứ ba gây ra, người bảo hiểm sau khi bồi thường cho người được bảo hiểm, có quyền nhận từ người được bảo hiểm quyền đòi người thứ ba bồi hoàn lại số tiền người bảo hiểm đã bồi thường cho người được bảo hiểm trong phạm vi trách nhiệm đền bù thiệt hại của người thứ ba
Để Người bảo hiểm thực hiện được quyền đòi người thứ ba, Người được bảo hiểm phải chú ý bảo lưu quyền đòi người thứ ba cho công ty bảo hiểm. Nếu Người được bảo hiểm không thực hiện được việc bảo lưu thì quyền lợi được bồi thường sẽ bị ảnh hưởng, người bảo hiểm có thể chế tài lỗi không bảo lưu quyền đòi bên thứ ba cho công ty bảo hiểm.
Nguyên tắc này cũng được quy định tại Điều 49 Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000.
Nguyên tắc khoán
Áp dụng trong bảo hiểm con người.
Theo nguyên tắc này, người tham gia bảo hiểm chấp nhận một số tiền khoán cho người bảo hiểm chi trả tương ứng với mức độ thương tật, chết người khi tai nạn xảy ra đối với người được bảo hiểm.
Con người là vô giá. Tuy nhiên với mục đích là ổn định tình hình tài chính cho người tham gia bảo hiểm hoặc người được bảo hiểm khi họ bị ốm đau, thương tật hoặc chết người thì giữa doanh nghiệp bảo hiểm và người tham gia bảo hiểm có thể thoả thuận một số tiền bảo hiểm nhất định cho mục đích đó.
Đặc điểm của nguyên tắc khoán là số tiền bảo hiểm và mức độ chi trả tiền bảo hiểm được ấn định trước cho từng loại thương tật, chết người.
Hệ quả của nguyên tắc khoán:
Người được bảo hiểm có quyền hưởng nhiều quyền lợi từ các hợp đồng bảo hiểm khác nhau trong một vụ tai nạn (không có bảo hiểm trùng).
Người được bảo hiểm đồng thời nhận được tiền chi trả của doanh nghiệp bảo hiểm và của người có lỗi gây thiệt hại đến sức khoẻ và tính mạng của mình.
Bản chất các khoản chi trả của doanh nghiệp bảo hiểm không phải là bồi thường thiệt hại thực tế mà là nghĩa vụ thực hiện lời cam kết trong hợp đồng để đổi lấy phí bảo hiểm
infair.com.vn