Dư luận đang nóng lên về đề xuất bỏ bảo hiểm xe máy (bỏ bắt buộc) của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khi góp ý cho dự thảo Nghị định Quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc và bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng của Bộ Tài chính.
Luận điểm của VCCI là “bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe máy lại không chứng minh được là mang lại nhiều lợi ích xã hội, sau hơn 10 năm triển khai, tỷ lệ chi trả bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự với xe máy vẫn ở mức rất thấp, gần 6% năm 2019 (tương đương 45 tỷ đồng chi trả trên 765 tỷ đồng phí bảo hiểm)…
… với số tiền 45 tỷ đồng, rất khó có thể thuyết phục rằng lợi ích mang lại từ khoản tiền bồi thường này lớn hơn chi phí xã hội phải bỏ ra là 765 tỷ đồng. Như vậy, nhìn về mặt tổng lợi ích cho xã hội, bảo hiểm bắt buộc với xe máy không bảo đảm nguyên tắc lợi ích lớn hơn chi phí.”
Nhận định của VCCI mới chỉ nhìn vào con số và chưa giải đáp được câu hỏi: ai sẽ đền bù cho nạn nhân các vụ tai nạn giao thông do xe máy gây ra khi bỏ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự xe máy?
Việc bảo hiểm xe máy thu cao nhưng chi thấp, VCCI cũng chưa kiến giản được lý do, bản chất và giải pháp khắc phục, thay vào đó tổ chức này đưa ra giải pháp tồi tệ nhất và không cần động não: Bỏ.
INFAIR luôn ủng hộ việc bắt buộc bảo hiểm trách nhiệm dân sự xe máy, giải thích rõ lý do không thể bỏ bảo hiểm xe máy và đã có những đề xuất tới cơ quan quản lý các giải pháp để loại hình bảo hiểm này phát huy lợi ích như Nhà nước mong muốn.
1. Vấn đề thủ tục đòi bồi thường bảo hiểm xe máy phức tạp, khó khăn
Đây là nhận thức hết sức sai lầm, dư luận hầu hết đều cho rằng thủ tuc đòi bồi thường bảo hiểm xe phức tạp, khó đòi, nhưng thực tế những người suy nghĩ như vậy chưa từng một lần đi đòi bồi thường bảo hiểm xe máy, chưa bao giờ tìm hiểu xem thủ tục đòi bồi thường bảo hiểm xe máy như nào, mới chỉ nghe người khác nói lại.
Thực tế, đòi bồi thường bảo hiểm xe máy thủ tục đơn giản và dễ dàng nhất trong các loại hình bảo hiểm. Khi xảy ra tai nạn chủ xe chỉ cần gọi hotline thông báo cho công ty bảo hiểm để được hướng dẫn hoặc để công ty bảo hiểm cử người tới giám định, hướng dẫn, sau đó thu thập các giấy tờ, hồ sơ luôn có sẵn trong quá trình sửa chữa khôi phục tài sản, điều trị thương tật, chi phí bồi thường tử vong của bên thứ ba cung cấp cho công ty bảo hiểm là được bồi thường.
Nghị định 03/2021/NĐ-CP đã có những quy định đơn giản hoá thủ tục yêu cầu bồi thường, trong đó bỏ yêu cầu hồ sơ công an trừ các trường hợp tử vong (nếu có tử vong công ty bảo hiểm tự thu thập hồ sơ công an). INFAIR đã có bài hướng dẫn đòi bồi thường bảo hiểm xe máy chi tiết, đơn giản chia sẻ trên website và các trang mạng xã hội cho cộng đồng.
Việc dư luận cho rằng thủ tục đòi bồi thường bảo hiểm xe máy phức tạp, khó đòi là do lỗi của Cơ quan quản lý, Hiệp hội bảo hiểm và các doanh nghiệp bảo hiểm. Mặc dù luật quy định các tổ chức này có nghĩa vụ tuyên truyền về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự nhưng thực tế người dân chưa thấy các tổ chức này có hoạt động tuyên truyền nào, đặc biệt là việc công bố, hướng dẫn người dân thủ tục yêu cầu bồi thường bảo hiểm thì tuyệt đối không có.
2. Vấn đề thu nhiều chi ít, không hiệu quả về mặt kinh tế
Thực tế đang đúng như VCCI nhận định, nhưng VCCI lại không chỉ ra nguyên nhân và giải pháp. Nếu thu nhiều chi ít sao không đề xuất giảm phí bảo hiểm xe máy về 10.000 đồng, 20.000 đồng theo đúng nguyên tắc cân bằng thu chi phi lợi nhuận của bảo hiểm bắt buộc.
Lý do chính củ việc chi bồi thường thấp là người dân không biết lợi ích để yêu cầu bồi thường, đến quy định nạn nhân các vụ tai nạn giao thông được hỗ trợ nhân đạo 15 và 45 triệu đồng từ quỹ bảo hiểm xe cơ giới mà người dân gần như không biết để hưởng chính sách này cho thấy việc tuyên truyền yếu kém như thế nào.
Thực tế dù doanh thu ghi nhận cao (765 tỷ đồng phí bảo hiểm năm 2019) nhưng chi phí cho việc bán bảo hiểm xe máy lên tới 80% hoặc hơn, nên có thể nói phần lớn phí bảo hiểm xe máy thất thoát qua kênh phân phối mà không tới được người tham gia. Với hình thức phân phối lạc hậu này thì chi phí cao không thể tránh khỏi. Nếu phí bảo hiểm phù hợp với rủi ro chỉ 10.000 – 20.000 đồng, hoa hồng theo quy định của luật 20% (2.000 – 4.000 đồng/xe) thì không có ai đi bán. Tăng phí phí lên 66.000 đồng rồi cắt hoa hồng 40.000 – 45.000 đồng cho người bán mới có người đi bán cho doanh nghiệp bảo hiểm.
Giải pháp INFAIR đã đề xuất với Bộ tài chính từ năm 2019 nếu được áp dụng sẽ giảm được phí bảo hiểm về 10.000 – 20.000 đồng mà vẫn thu được và không cần qua trung gian là bán bảo hiểm điện tử thông qua các hình thức nhắn tin trừ cước điện thoại, mua qua tài khoản ngân hàng. Bảo hiểm trách nhiệm dân sự ô tô đã thực hiện được chứng nhận bảo hiểm điện tử tại sao bảo hiểm xe máy lại không thể?
Thay vi đòi bỏ bảo hiểm xe máy, sao các cơ quan quản lý, doanh nghiệp bảo hiểm và hiệp hội bảo hiểm không đề xuất các giải pháp để việc bồi thường bảo hiểm xe máy được thuận tiện hơn và chi phí bán hàng thấp hơn.
How useful was this post?
Click on a star to rate it!
Average rating 0 / 5. Vote count: 0
No votes so far! Be the first to rate this post.