CÔNG TY TNHH DỊCH VỤ HỖ TRỢ BẢO HIỂM INFAIR
Tư vấn mua bảo hiểm, Tư vấn đòi quyền lợi bảo hiểm​

☏ 0967375860

Xác định lỗi của bên thứ ba để thế quyền: Công an hay doanh nghiệp bảo hiểm?

Trong các vụ tai nạn giao thông liên quan đến trách nhiệm bảo hiểm, công ty bảo hiểm thường yêu cầu khách hàng cung cấp hồ sơ tai nạn của cơ quan công an để xác định nguyên nhân thiệt hại và lỗi của các bên liên quan.

Mục đích của việc xác định lỗi của các bên liên quan là để doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện việc thế quyền bên mua bảo hiểm đòi bên thứ ba có lỗi. Đây là quyền chính đáng của doanh nghiệp bảo hiểm nhưng việc yêu cầu chủ xe phải cung cấp hồ sơ công an để phân lỗi lại là yêu cầu không chính đáng, trái luật nên không thể thực hiện.

Bài liên quan:

Căn cứ pháp lý

Thứ nhất, việc xác định nguyên nhân tổn thất (cũng chính là xác định lỗi các bên liên quan) là nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm được quy định tại Điều 48 Luật kinh doanh bảo hiểm như sau:

Điều 48. Giám định tổn thất

  1. Khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm hoặc người được doanh nghiệp bảo hiểm uỷ quyền thực hiện việc giám định tổn thất để xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất. Chi phí giám định tổn thất do doanh nghiệp bảo hiểm chịu.
  2. Trong trường hợp các bên không thống nhất về nguyên nhân và mức độ tổn thất thì có thể trưng cầu giám định viên độc lập, trừ trường hợp có thoả thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm. Trong trường hợp các bên không thoả thuận được việc trưng cầu giám định viên độc lập thì một trong các bên được yêu cầu Toà án nơi xảy ra tổn thất hoặc nơi cư trú của người được bảo hiểm chỉ định giám định viên độc lập. Kết luận của giám định viên độc lập có giá trị bắt buộc đối với các bên.

Việc giám định xác định nguyên nhân tổn thất và lỗi các bên chỉ có giá trị trong việc giải quyết bồi thường của doanh nghiệp bảo hiểm và làm căn cứ để doanh nghiệp bảo hiểm truy đòi bên thứ ba sau khi nhận thế quyền từ bên mua bảo hiểm, không có giá trị trong việc giải quyết các tranh chấp dân sự giữa bên mua bảo hiểm và bên thứ ba.

Bên thứ ba bị doanh nghiệp bảo hiểm quy lỗi cũng không cần xác nhận lỗi với doanh nghiệp bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm cũng không cần bên thứ ba xác nhận lỗi khi yêu cầu bên mua bảo hiểm chuyển quyền và nhận thế quyền. Kết luận lỗi của doanh nghiệp bảo hiểm chỉ có giá trị đối với bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm để thực hiện việc chuyển quyền.

Sau khi nhận thế quyền, doanh nghiệp bảo hiểm yêu cầu bên thứ ba bồi thường. Nếu không giải quyết được bằng thỏa thuận có thể kiện ra toà và doanh nghiệp bảo hiểm cần chứng minh bên thứ ba có lỗi khi khởi kiện.

Thứ hai, luật (nghị định 03/2021 của Chính phủ và Thông tư 63/2020/TT-BCA) cũng quy định cơ quan công an chỉ cung cấp hồ sơ cho doanh nghiệp bảo hiểm trong trường hợp có người tử vong và áp dụng đối với bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự. Các trường hợp khác cơ quan công an không cung cấp hồ sơ.

Do đó doanh nghiệp bảo hiểm yêu cầu phải có hồ sơ công an mới xác định được lỗi là trốn tránh trách nhiệm, trái luật và không thể thực hiện được trong thực tế.

Quy trình thế quyền đúng luật sẽ như thế nào?

Bước 1: Doanh nghiệp bảo hiểm tự xác định nguyên nhân tổn thất và lỗi các bên

Đúng theo quy tắc bảo hiểm, khi nhận được thông báo tổn thất doanh nghiệp bảo hiểm cử giám định viên tới hiện trường, tự lập biên bản giám định với bên mua bảo hiểm và các bên liên quan (nếu có). Trường hợp xác định thiệt hại có lỗi của bên thứ ba, giám định viên hướng dẫn chủ xe không tự ý thương lượng đền bù, thực hiện các thủ tục bảo lưu quyền đòi bên thứ ba cho doanh nghiệp bảo hiểm.

Nếu bên thứ ba không đồng ý với kết luận lỗi thì sao? Kết luận này chỉ có giá trị đối với bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm nên không cần sự đồng ý của bên thứ ba. Doanh nghiệp bảo hiểm và bên thứ ba nếu có tranh chấp sẽ giải quyết tại toà án.

Nếu người được bảo hiểm không thông báo ngay và không còn hiện trường sẽ gây khó khăn cho việc xác định nguyên nhân và lỗi các bên, cho doanh nghiệp bảo hiểm vẫn phải thực hiện nhiệm vụ này và có quyền chế tài (giảm trừ bồi thường) lỗi không hiện trường theo quy định trong quy tắc bảo hiểm. Không thể từ chối bồi thường do không thể xác định được nguyên nhân và lỗi các bên.

Bước 2: Khách hàng chuyển quyền và doanh nghiệp bảo hiểm nhận thế quyền

Sau khi doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường hoặc cam kết bồi thường, bên mua bảo hiểm ký giấy chuyển quyền đòi bên thứ ba có lỗi cho doanh nghiệp bảo hiểm.

Bước 3: Doanh nghiệp bảo hiểm thu đòi bên thứ ba

Sau khi nhận thế quyền, doanh nghiêp bảo hiểm có quyền yêu cầu bên thứ ba bồi thường,nếu bên thứ ba không đồng ý, doanh nghiệp bảo hiểm có thể khởi kiện bên thứ ba ra toà án kèm theo bằng chứng chứng minh lỗi của bên thứ ba cho yêu cầu khởi kiện.

Như vậy trong mọi trường hợp, việc xác định lỗi của bên thứ ba luôn là trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm, không được phép yêu cầu hồ sơ của cơ quan công an. Trong trường hợp vụ tổn thất có cơ quan công an giải quyết, doanh nghiệp bảo hiểm có quyền tham khảo kết luận nguyên nhân tổn thất và lỗi của các bên liên quan làm cơ sở bồi thường và thế quyền. Hồ sơ công an không phải là căn cứ duy nhất và không có giá trị bắt buộc đối với bên thứ ba trong việc đền bù lại cho doanh nghiệp bảo hiểm. Quyết định cuối cùng là của toà án nếu các bên không thoả thuận được.

infair.com.vn

 

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x